Mẹo

Bạn có biết đến 5 lợi ích của acid folic đối với sức khỏe chúng ta?

Xem ngay bí quyết quan hệ lâu ra tới 60 phút rất đơn giản TẠI ĐÂY❤️

Acid folic là một trong những dưỡng chất vô cùng quan trọng mà cơ thể người không tự tổng hợp được. Ngoài việc đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu, phòng ngừa dị tật bẩm sinh ở thai nhi… thành phần này còn giữ nhiều vai trò quan trọng khác mà bạn có thể chưa rõ hết. Bài viết sau đây sẽ khái quát về những lợi ích cũng như lượng acid folic cần thiết cho mỗi người. Mời bạn cùng theo dõi ngay nhé!

Trên thực tế, khá nhiều người lầm tưởng acid folic và folate là một bởi có quá nhiều nét tương đồng giữa hai hợp chất này. Theo đó, folate là dạng tồn tại tự nhiên của vitamin B9; trong khi acid folic lại là dạng folate nhân tạo, khi vào cơ thể phải trải qua quá trình chuyển hóa mới trở thành dạng folate có hoạt tính.

Tuy có sự khác biệt về mặt cấu trúc nhưng nhìn chung cả folate hay acid folic đều giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các chức năng của cơ thể. Việc thiếu hụt acid folic hay folate làm ảnh hưởng đến một vài quá trình trao đổi chất, đồng thời gây nên những tác động tiêu cực với sức khỏe tổng thể như: thiếu máu, tăng rủi ro mắc bệnh tim mạch, ung thư, thai nhi dị tật … 

Để phòng tránh được những vấn đề trên, bạn nên tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu acid folic hoặc sử dụng viên uống bổ sung hằng ngày. Bài viết dưới đây sẽ tập trung vào acid folic cũng như những lợi ích sức khỏe mà nó mang lại.

Giải đáp thắc mắc: Acid folic là gì, dưỡng chất này có ở đâu?

Như đã đề cập ở trên, acid folic là dạng tổng hợp của vitamin B9, nó thường được dùng trong các loại thực phẩm chức năng hoặc được thêm vào các sản phẩm thức ăn chế biến sẵn như bánh mì, ngũ cốc ăn sáng. Bạn cũng có thể tìm và bổ sung dạng folate tự nhiên trong các loại thực phẩm như rau lá xanh, trái cây có múi, trứng, gan bò …

Khi vào cơ thể, acid folic chuyển hóa thành folate có hoạt tính, chất này đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng, bao gồm:

  • Phân chia tế bào
  • Tổng hợp, sửa chữa và methyl hóa DNA (điều này rất cần thiết cho việc ức chế các yếu tố lặp và ngăn ngừa di truyền ung thư)
  • Tham gia vào sự chuyển đổi homocysteine thành methionine, một acid amin được sử dụng để tổng hợp nên protein hoặc chuyển đổi thành S – adenosylmethionine (SAMe), hợp chất cần thiết cho nhiều phản ứng trong tế bào
  • Sự tăng trưởng của hồng cầu 

Hiện nay, có khá nhiều trường hợp bị thiếu hụt acid folic mà nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn uống kém. Bên cạnh đó, một số tình trạng bệnh lý, việc sử dụng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật như cắt dạ dày có thể làm giảm hấp thụ folate từ thực phẩm. 

5 lợi ích của acid folic mà bạn nên biết

Qua những thông tin vừa rồi, có lẽ bạn đã phần nào hiểu được acid folic là gì, nguồn gốc ra sao. Dựa trên những vai trò của dưỡng chất này với chức năng sống của cơ thể, người ta đã khám phá ra những lợi ích thiết thực của acid folic như sau:

1. Phòng ngừa dị tật bẩm sinh và biến chứng thai kỳ

 

Có thể nói, đây là một trong những lợi ích phổ biến nhất của acid folic. Theo đó, phụ nữ trước và trong giai đoạn sớm của thai kỳ đều được khuyến cáo nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất này để ngăn ngừa tình trạng khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi.

Về mặt lý thuyết, ống thần kinh tổn tại trong giai đoạn phôi thai giữ vai trò hình thành nên não và cột sống. Tuy nhiên, nếu chế độ dinh dưỡng của người mẹ không phù hợp, đặc biệt là không cung cấp đủ acid folic, ống thần kinh sẽ không khép kín hoàn toàn từ đó dẫn đến hàng loạt các dị tật ở thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, nứt đốt sống tệ hơn nữa là trường hợp sảy thai hoặc thai chết lưu.

Để những vấn đề trên không xảy ra, phụ nữ mang thai nên bổ sung từ 400-800 mcg acid folic mỗi ngày trong ba tháng đầu tiên theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Riêng những ai đang dự định có con thì nên bổ sung khoảng 4.000 mcg acid folic mỗi ngày trong ít nhất 1 tháng trước khi mang thai. Trường hợp sinh đôi, sinh ba hoặc có tiền sử sinh con bị dị tật ống thần kinh phải sử dụng liều cao hơn nữa.

Không những ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở thai nhi, dưỡng chất này còn bảo vệ mẹ bầu khỏi những biến chứng liên quan đến thai kỳ, bao gồm cả hội chứng tiền sản giật. 

2. Điều trị các vấn đề liên quan đến thiếu hụt acid folic

Có rất nhiều lý do dẫn đến việc thiếu acid folic, chẳng hạn như: chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, phẫu thuật làm ảnh hưởng đến chức năng ruột, nghiện rượu hay nhu cầu tăng lên khi mang thai mà việc ăn uống bình thường không đáp ứng đủ. 

Nếu không nhận đủ acid folic, bạn sẽ rất dễ mắc phải nhiều vấn đề sức khỏe trong đó có tình trạng khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi với biểu hiện như: mệt mỏi, đau đầu, cơ thể suy nhược, da dẻ xanh xao, đau miệng và lưỡi.

Ngoài thiếu máu, người bị thiếu hụt acid folic còn có nguy cơ bị suy giảm chức năng miễn dịch, tinh thần sa sút thậm chí là trầm cảm. 

3. Tăng cường sức khỏe não bộ

 

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nồng độ folate dạng hoạt động trong máu thấp có liên quan đến chức năng não kém và làm tăng nguy cơ gặp phải chứng mất trí nhớ, đặc biệt là người cao tuổi.

Thêm vào đó, nghiên cứu cũng đã đưa ra bằng chứng rằng, việc bổ sung đầy đủ acid folic có thể cải thiện chức năng não ở những đối tượng mắc bệnh sa sút tâm thần hoặc Alzheimer.

Cụ thể, một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2019 trên 180 người trưởng thành mắc bệnh suy giảm nhận thức nhẹ (MCI), kết quả thu được cho biết việc bổ sung 400 mcg acid folic mỗi ngày trong 2 năm giúp cải thiện đáng kể chức năng não, bao gồm cả chỉ số IQ. Lý giải cho vấn đề này, các nhà khoa học cho rằng, acid folic có tác dụng làm giảm nồng độ protein có liên quan đến sự hình thành và phát triển của bệnh Alzheimer. 

Một thử nghiệm khác với nhóm 121 đối tượng vừa được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer đang điều trị bằng thuốc donepezil cho thấy những người dùng 1.250 mcg acid folic mỗi ngày liên tục trong 6 tháng đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là giảm dấu hiệu của các phản ứng viêm hơn hẳn so với những người chỉ điều trị bằng thuốc. 

4. Hỗ trợ điều trị các rối loạn sức khỏe tâm thần

Bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm đã được chứng minh là có lượng folate trong máu thấp hơn ở những người có sức khỏe bình thường. Theo đó, các nhà khoa học cho biết việc bổ sung acid folic hoặc tiêu thụ đa dạng các nhóm thực phẩm giàu folate có thể làm giảm các triệu chứng của trầm cảm trong trường hợp người bệnh kết hợp dùng thuốc điều trị.

Không những thế, một báo cáo tổng hợp từ kết quả của 7 nghiên cứu cho thấy việc sử dụng các loại thực phẩm bổ sung, điển hình là acid folic với thuốc chống loạn thần sẽ nhanh chóng làm giảm các triệu chứng tiêu cực ở những đối tượng mắc bệnh tâm thần phân liệt.

5. Giảm các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch

Ngoài lợi ích với thai kỳ và các vấn đề tâm thần, việc bổ sung acid folic còn giúp bạn phòng tránh được nhiều bệnh lý tim mạch.

Về bản chất, acid folic tham gia vào quá trình chuyển hóa homocystein thành methionine ở gan. Thiếu dưỡng chất này, vitamin B12 và B6 hấp thụ từ thức ăn sẽ làm gia tăng nồng độ homocystein huyết. Homocystein lúc này gây tổn thương nội mạc động mạch, đồng thời tạo điều kiện hình thành nên những mảng xơ vữa là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Không những ngăn các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch, việc bổ sung acid folic đều đặn cũng cải thiện tuần hoàn máu. Càng nhiều máu lưu thông, tim càng ít bị tổn thương và sẽ hoạt động hiệu quả hơn. 

Một số lợi ích tiềm năng khác của acid folic với sức khỏe

Bên cạnh những lợi ích chính yếu vừa liệt kê, acid folic còn được dùng dể hỗ trợ nhiều vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như:

  • Bệnh đái tháo đường: Acid folic là thành phần dinh dưỡng có thể giúp kiểm soát lượng đường huyết hiệu quả, giảm tình trạng đề kháng insulin đồng thời tăng cường chức năng tim mạch ở những đối tượng mắc bệnh tiểu đường. Thêm vào đó, việc bổ sung acid folic còn làm giảm rủi ro gặp phải biến chứng thần kinh đái tháo đường. 
  • Acid folic cũng rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe buồng trứng. Theo đó, những người có sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh ống nghiệm nên dùng acid folic liều cao (hơn 800 mcg mỗi ngày) để cải thiện khả năng thụ tinh.
  • Acid folic cũng đã được chứng minh là làm giảm các dấu hiệu viêm, điển hình là protein phản ứng C (CRP) ở nhiều đối tượng có bệnh lý khác nhau, bao gồm cả phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) và trẻ em bị động kinh.
  • Một trong những lợi ích đáng chú ý khác của acid folic là làm giảm tỷ lệ gặp phải những phản ứng phụ khi sử dụng một số loại thuốc, bao gồm methotrexate – thuốc ức chế miễn dịch được dùng trong điều trị tình trạng viêm khớp dạng thấp, bệnh vẩy nến và một số bệnh ung thư.

Liều dùng acid folic khuyến nghị cho từng đối tượng 

Acid folic phần lớn được cơ thể dự trữ ở gan với hàm lượng trong khoảng từ 10 – 30 mg; trong khi đó phần còn lại sẽ được dự trữ ở máu và các mô. Như đã đề cập ở phần đầu bài viết, acid folic khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành dạng hoạt động gọi là 5 – methyltetrahydrofolate, nồng độ bình thường của chất này trong máu rơi vào khoảng từ 5 – 15 ng/mL.

Trước khi đề cập đến nhu cầu acid folic ở từng đối tượng, bạn cần hiểu thêm về khái niệm DFEs – Dietary Folate Equival. Đây là một đơn vị đo lường thể hiện sự khác biệt trong khả năng hấp thụ của cơ thể với acid folic và folate.

Theo đó, cơ thể hấp thụ rất tốt 85 – 100% acid folic từ nguồn thực phẩm bổ sung; trong khi hấp thụ từ thực phẩm lại kém, chỉ đạt khoảng 50%. Do có sự thay đổi về mức độ hấp thụ này mà DEF được tính như sau:

1 mcg DFE = 1 mcg folate có trong thực phẩm tự nhiên = 0,5 mcg acid folic được dùng dưới dạng viên uống bổ sung khi bụng đói

Người trưởng thành sẽ cần khoảng 400 mcg DFE folate mỗi ngày; trong khi phụ nữ mang thai và cho con bú do nhu cầu tăng cao nên cần phải được cung cấp từ 500 – 600 mcg DFE/ngày.

Với trẻ sơ sinh, trẻ em và lứa tuổi thanh thiếu niên, nhu cầu về acid folic được điều chỉnh như sau:

  • Từ 6 tháng trở xuống: 65 mcg DFE
  • 7 – 12 tháng: 80 mcg DFE
  • 1 – 3 tuổi: 150 mcg DFE
  • 4 – 8 tuổi: 200 mcg DFE
  • 9 – 13 tuổi: 300 mcg DFE
  • 14 – 18 tuổi: 400 mcg DFE

Hy vọng rằng, qua bài viết trên, bạn đã biết được acid folic là gì cũng như liều lượng khuyến cáo của dưỡng chất này. Trong trường hợp nếu chọn bổ sung qua đường uống, bạn nên tham khảo các sản phẩm bổ sung đa dạng các vitamin và khoáng chất để cải thiện sức khỏe một cách toàn diện. 

 

Tài liệu tham khảo

Folic Acid: Everything You Need to Know – https://www.healthline.com/nutrition/folic-acid

What to know about folic acid – https://www.medicalnewstoday.com/articles/219853

Folic Acid – https://www.drugs.com/folic_acid.html

Folic Acid – https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-1017/folic-acid

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý vị copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn vitacap.com.vn.
Copyright © 2023 - 2024 | vitacap.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status